Lực lượng quân đội Vương_quốc_Ấn-Hy_Lạp

Các đồng tiền của người Ấn-Hy Lạp cung cấp những manh mối phong phú về trang phục và vũ khí của họ. Kiểu trang phục Hy Lạp cổ đại tiêu biểu đã được mô tả, với mũ giáp có thể kiểu tròn theo phong cách Hy Lạp-Bactria, hoặc kiểu kausia bẹt của Macedonia (tiền xu của Apollodotos I).

Kĩ thuật quân sự

Vũ khí của họ bao gồm giáo, kiếm, nỏ (trên đồng tiền của Agathokleia) và mũi tên. Điều thú vị là, vào năm 130 TCN loại cung uốn Trung Á của thảo nguyên với hộp gorytos của nó bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên trên đồng tiền của Zoilos I, cho thấy sự tương tác mạnh (và dường như là một liên minh) với các dân tộc du mục, hoặc là người Nguyệt Chi hoặc Scythia.[136] Loại cung uốn trở thành một tính năng tiêu chuẩn của các kỵ binh Ấn-Hy Lạp cho đến năm 90 trước Công nguyên, như được thấy trên một số các đồng tiền của Hermaeos.

Binh lĩnh Ấn-Hy Lạp (trên một đồng xu của Menandros II), khoảng 90 TCN, với một áo giáp, phiến giáp cho đùi, và bảo vệ chân, làm một cử chỉ phước lành.[137]

Nhìn chung, các vị vua Ấn-Hy Lạp thường được miêu tả là đang cưỡi ngựa, vào đầu triều đại của Antimachos II khoảng 160 trước Công nguyên. Truyền thống cưỡi ngựa này có thể quay trở lại từ thời Hy Lạp-Bactria, những người được Polybius cho là đã phải đối mặt với một cuộc xâm lược của nhà Seleukos vào năm 210 TCN với 10.000 kỵ binh [138] Mặc dù những con voi chiến không bao giờ được thể hiện trên đồng tiền, một bộ yên cương ngựa (phalera) có niên đại thế kỷ 3 tới thế kỉ 2 trước Công nguyên, ngày nay tại Bảo tàng Hermitage, mô tả một chiến binh đội mũ sắt Hy Lạp trên một con voi chiến Ấn Độ.

Trong Bộ kinh "Di Lan Đà Vấn đạo" có đoạn trích lời tâu của Tỳ kheo Na Tiên, nói lên cấu trúc quân sự của Vương quốc Ấn - Hy Lạp đời vua Menandros I:[139]

Ví như đại vương dẫn bốn loại quân binh: bộ binh, tượng binh, mã binh, xa binh ra trận. Bốn loại binh ấy có tên gọi khác nhau, hình tướng, chức năng, công dụng khác nhau nhưng đều thành tựu chung một lợi ích, một mục đích: ấy là đem về vinh quang và chiến thắng cho đại vương!
— Tỳ kheo Na Tiên, trích trong "Di Lan Đà vấn đạo

Ngoài ra, bộ kinh còn tái hiện cuộc đàm luận giữa nhà vua và Na Tiên, nêu ra đường lối quân sự đúng đắn của ông:

(Na Tiên): "Trước đây, đại vương từng là một đại tướng lãnh bách chiến bách thắng, ngài đã từng chỉ huy bốn loại quân binh một cách thiện xảo, thiên tài, ngài đã từng chiến thắng những "trận địa chiến" rất lớn. Bần tăng xin được hỏi là đại vương thường thiết lập, bố trí "trận địa chiến" ấy ra sao?"(Menandros I): "Không dấu gì đại đức, chuyện ấy đối với trẫm thì dễ dàng như mặc áo, ăn cơm vậy. Đầu tiên trẫm quan sát các thế núi, sông, rừng, sa mạc, đồng ruộng, thôn làng. Rồi dự định chỗ tấn, chỗ thoái, chỗ lập đồn lũy, chỗ hư binh, chỗ phục binh v.v.. sau đó, lập sa bàn, tập trận giả, rồi tập trận thật trên địa thế núi sông tương tự...; rồi còn chiến thuật, tâm lý... và nhiều lãnh vực chuyên môn khác nữa.(Na Tiên): "Chừng đó là bần tăng hiểu rồi, tâu đại vương! Muốn chiến thắng, bách chiến bách thắng, đại vương phải thiết lập vững vàng trận địa, nơi thế đất này, thế núi kia... tất cả đều được chuẩn bị, dự phòng sẵn. Dường thế ấy, từ Giới lập trận thế, từ Giới lập chiến thuật, chiến lược; từ Giới lập sa bàn; từ Giới mà tiêu diệt đối phương... thì mười đội binh ma quân phiền não sẽ cởi giáo quy hàng. Nhờ Giới mà tín sẽ vững chắc không xao động. Nhờ Giới mà tấn không thối thất. Nhờ Giới mà niệm không buông lơi. Nhờ Giới mà định tâm thêm kiên cố. Nhờ Giới mà tuệ càng thêm sáng tỏ."

Trong kinh cũng có đoạn nhà vua Menandros I Soter miêu tả về cách thức chăm sóc các thương binh trên chiến trận: "Dĩ nhiên là cho họ lui tuyến sau, cử thầy thuốc chăm sóc vết thương.", và "Họ chùi rửa vết thương cẩn thận, lấy thuốc đắp lên, lấy vải nhuyễn mịn băng bó lại.".[140]

Kích cỡ của quân đội Ấn-Hy Lạp

Lực lượng quân đội của người Ấn-Hy Lạp đã tham gia vào nhiều trận chiến quan trọng với các đạo quân địa phương của người Ấn.Vị vua cai trị Kalinga, Kharavela, tuyên bố trên văn bia Hathigumpha rằng ông ta đã dẫn đầu một "đội quân lớn" đương đầu với "quân đội" do Demetrius chỉ huy, và rằng ông đã khiến cho ông ta phải rút lui khỏi thành Pataliputra về Mathura. Sứ thần Hy Lạp Megasthenes đã ghi chú đặc biệt về sức mạnh quân sự của Kalinga trong cuốn Indica của ông vào giữa thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên:

Thành phố hoàng gia của Calingae (Kalinga) được gọi là Parthalis. Vị vua của họ có tới 60.000 bộ binh, 1.000 kỵ binh, 700 con voi canh giữ trong khi "sẵn sàng cho chiến tranh".

— Megasthenes fragm. LVI. in Plin. Hist. Nat. VI. 21. 8–23. 11.[141]

Một ghi chép khác là của nhà văn La Mã Justin đưa ra một gợi ý về kích thước của quân đội Ấn-Hy Lạp, trong đó, khi cuộc xung đột giữa vua Hy Lạp-Bactria là Eucratides với Ấn-Hy Lạp Demetrios II nổ ra, ông ta có 60.000 quân sĩ (mặc dù vậy họ bị cho là đã thua trận trước 300 quân Hy Lạp-Bactria):

Eucratides tiến hành nhiều cuộc chiến tranh với lòng dũng cảm tuyệt vời, và, trong khi suy yếu bởi những cuộc chiến, và bị đặt dưới sự bao vây của Demetrios, vua của người Ấn Độ. Ông đã tiến hành nhiều cuộc đột kích và cố gắng để chiến thắng 60.000 kẻ thù với 300 chiến binh, và vì vậy đã giải phóng sau bốn tháng, ông đã đặt Ấn Độ dưới sự cai trị của mình.

— Justin, XLI,6 [142]

Đây được coi là lực lượng hùng hậu bởi vì các quân đội lớn trong thời kì Hy Lạp hóa thường có quân số từ 20.000 đến 30.000 binh sĩ.[143]

Người Ấn-Hy Lạp sau đó đã phải đối mặt với các bộ lạc du mục tới từ Trung Á (Nguyệt Chi và Scythia). Theo Trương Khiên, người Nguyệt Chi có một lực lượng hùng hậu từ 100.000 và 200.000 kỵ cung[144]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vương_quốc_Ấn-Hy_Lạp http://poj.peeters-leuven.be/content.php?url=issue... http://www.ancientopedia.com/article/163/ http://www.ancientopedia.com/article/164/ http://www.dbaol.com/armies/army_50_figure_1.htm http://www.ancient.eu.com/article/208/ http://books.google.com/books?id=xPUvqtdfjyAC&pg=P... http://sites.google.com/site/grecoindian http://www.iranica.com/newsite/articles/ot_grp8/ot... http://www.parthia.com/parthian_stations.htm#PARTH... http://www.questia.com/PM.qst?a=o&d=88816404